Ngày đăng: 17/02/2012 | Lượt xem: 5451
Năm 2011, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) kỷ niệm 10 năm thành lập và Đại hội nhiệm kỳ khóa 3 (2011-2016). Nhân dịp này, DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Kim Dũng - Phó chủ tịch VAA, Viện trưởng ARTI VN về những thành tựu cũng như định hướng phát triển của VAA trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Đỗ Kim Dũng cho biết: Một thập kỷ qua, VAA đã đưa quảng cáo VN từ một ngành dịch vụ đơn giản, nhỏ lẻ thành một ngành công nghiệp quảng cáo kinh tế sáng tạo với doanh thu gần 1 tỉ USD (20 ngàn tỉ đồng) hiện nay. VAA cũng đã tạo nên giải thưởng sáng tạo hàng năm là “Chuông Vàng”, cuộc thi sáng tạo trẻ Young Lion, thành lập Học viện quảng cáo Việt Nam, Festival AdAsia 2013 và đặc biệt VAA đã trở thành thành viên chính thức, tham gia sâu rộng vào Hiệp hội Quảng cáo thế giới (IAA) và Châu Á-TBD (AFAA).
- Thưa ông, qua nhìn nhận lại 10 năm phát triển, ông thấy đâu là điều kiện để VAA có thể chủ động bước vào giai đoạn mới ?
Dự báo, thập kỷ tới (2010-2020), chắc chắn mảng dịch vụ BTL (Below The Line) như: PR, Event, OOH, POS, POSM, brand activation... sẽ phát triển rất mạnh. Đây là mảng công việc đòi hỏi nhiều về nhân lực giá trung bình, tính địa phương, sự nhanh nhạy và sự ứng phó cao mà lại không đòi hỏi quá nhiều về kỹ năng quản trị hay sáng tạo chiến lược. Đó là cơ hội tốt cho doanh nghiệp quảng cáo VN phát triển. Tuy nhiên, các Cty quảng cáo nước ngoài sẽ vẫn là đơn vị “hoạch định” chiến lược cho ATL và cả BTL. Vì vậy, ngành quảng cáo VN cần cởi mở và hội nhập để nắm bắt cơ hội tạo doanh thu, học hỏi, đào tạo nhân lực và kỹ năng quản trị từ các tập đoàn quảng cáo đa quốc gia.
- Có ý kiến cho rằng, nhân lực chuyên ngành quảng cáo của VN hiện còn rất non kém, chưa đáp ứng được yêu cầu quảng bá, xây dựng thương hiệu ngày càng cao của DN VN. Vậy kế hoạch của VAA trong giải quyết vấn đề này như thế nào ?
Bài toán này VAA đã nhìn thấy cách đây 10 năm, nhưng còn nhiều lúng túng trong việc tháo gỡ. Trong hai nhiệm kỳ qua (2001-2011), Học viện Quảng cáo VN (ARTI Vietnam) được thành lập, tuy nhiên chưa tìm ra một nguồn lực nào hay giải pháp hợp tác hữu hiệu để tháo gỡ vấn đề. Hệ thống giáo dục đại học VN cũng chưa thể thích ứng với các chuyên ngành mới về truyền thông marketing, truyền thông thương hiệu và truyền thông sáng tạo mà ngành công nghiệp quảng cáo hiện đại mong đợi.
ARTI Vietnam là tập hợp một số nhà quảng cáo và giáo dục tâm huyết, dành cả vật lực (tài chính), tâm lực và trí lực của mình một cách đơn độc để “gây dựng cơ đồ”, đào tạo cho cả một ngành mới và non trẻ này tại VN. Bài toán nan giải của ARTI Vietnam, đó là: chỉ đào tạo một số ít nhân lực “gọi là” để tránh thua lỗ tài chính hay mạnh dạn tạo cho nhiều người trẻ được học tập nghiệp vụ chuyên ngành quảng cáo mà... sớm đi đến thua lỗ, phá sản (?!). Rõ ràng nhiệm vụ này quá lớn đối với ARTI Vietnam và VAA. Nhưng đó chính là thách thức lớn nhất mà VAA phải đối mặt nếu như VAA coi nhiệm vụ của mình là phát triển ngành công nghiệp quảng cáo nước nhà trong thập kỷ tới.
- Bên cạnh đó, những vấn đề tồn tại trước mắt của VAA là gì ?
Những đóng góp của ngành công nghiệp quảng cáo VN đối với kinh tế, văn hóa và xã hội nhìn chung chưa được công nhận. Hiếm khi chúng ta nhìn thấy cụm từ “kinh tế sáng tạo” hay “công nghiệp quảng cáo” được nêu trong các văn bản có tính pháp quy và chính luận. Vì vậy, ngành công nghiệp quảng cáo thời gian qua luôn đối mặt với một số vấn đề khá phức tạp:
Thứ nhất, tính thiếu minh bạch trong quy hoạch: nhiều địa phương chậm quy hoạch trong quảng cáo ngoài trời (OOH), từ đó các pano được xây dựng hàng tỉ đồng nhưng không thể coi là một loại tài sản có thể thế chấp, cầm cố trong vay vốn ngân hàng. Điều này vô hình trung, gián tiếp gây nên sự nhàm chám trong truyền thông OOH, vì không ai dám đầu tư công nghệ mới ngoài trời. Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch trong quy hoạch, không đấu thầu, không có “sân chơi” công bằng trong các mối quan hệ hay lợi ích nhóm cũng làm cho thị trường biến đổi, thiếu tính quy luật, cạnh tranh không lành mạnh, giá cả bất ổn...
Thứ 2, về cơ chế xin - cho giấy phép quảng cáo: Vòng đời sản phẩm ngắn và làm mới các thuộc tính sản phẩm ngày nay diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên các loại giấy phép, quy trình xin phép và quan điểm thẩm mỹ trong xét duyệt mẫu quảng cáo hiện nay rõ ràng là không nhất quán và luôn chậm trễ. Đây là lực cản rất lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp quảng cáo hiện nay.
Thứ 3, về sự kiểm duyệt trong hoạt động quảng cáo: Trong thực tế đã có một số mẫu quảng cáo hay TVC được địa phương này (hay đài này) duyệt mà địa phương khác lại không. Sự không đồng nhất về mặt kiến thức, trình độ của đội ngũ làm công tác quản lý, kiểm duyệt, cấp phép quảng cáo về chuyên ngành này đang là lực cản hạn chế tính sáng tạo trong việc tìm kiếm các ý tưởng mới.
Thứ 4, các quy chuẩn về đạo đức quảng cáo, luật và văn bản dưới luật, sự manh mún trong hợp tác kinh doanh giữa các công ty quảng cáo nhỏ của VN... cũng là những thách thức mà VAA và ngành công nghiệp quảng cáo nước nhà đối mặt trong 10 năm tới.
- Với tư cách là Viện trưởng ARTI Vietnam, ông cho rằng việc cấp bách nhất mà VAA và các Cty quảng cáo VN “cần làm ngay” sau kỳ đại hội này ?
Đó là chúng ta cần phải cởi mở và hội nhập hơn nữa để phát triển. Thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta đã có những sai lầm trong tư duy hợp tác quốc tế ở ngành công nghiệp quảng cáo. Suốt 10 năm, nhiều thành viên VAA “ngự trị” trong đầu rằng: 80% doanh số quảng cáo VN do các tập đoàn quảng cáo đa quốc gia chiếm giữ, dù họ chỉ có khoảng gần 20 văn phòng đại diện hoặc Cty tại VN.
Đây là “lối suy nghĩ” đúng về hình thức, nhưng sai về bản chất. Thập kỷ qua, các tập đoàn quảng cáo nước ngoài chỉ phục vụ cho chính khách hàng của họ khi khách hàng đó đến đầu tư kinh doanh tại VN. Trong số hàng chục ngàn tỷ đồng dành cho media (tivi, báo, radio) mà ngành công nghiệp quảng cáo mang lại thì bản thân các Cty quảng cáo nước ngoài thụ hưởng nhiều nhất cũng chỉ đến 7-10%/ doanh thu. Họ không được đặt quảng cáo trực tiếp mà phải ký hợp đồng đặt quảng cáo qua các đại lý VN. Vì vậy, hãy hình dung rằng có từ 90-95% doanh số quảng cáo tại VN đều do các chủ phương tiện truyền thông (owner media) và các đại lý VN hưởng trọn. Nếu không có các Cty quảng cáo nước ngoài thì liệu ai đủ khả năng khai thác và tạo ra hàng chục ngàn tỉ đồng kia cho ngành công nghiệp quảng cáo VN ?
- Xin cảm ơn ông !
Sự thiếu minh bạch trong quy hoạch quảng cáo, không đấu thầu, không có “sân chơi” công bằng trong các mối quan hệ hay lợi ích nhóm cũng làm cho thị trường biến đổi, thiếu tính quy luật, cạnh tranh không lành mạnh, giá cả bất ổn... |
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Tuyết Nhung thực hiện
Tags: